Nấm miệng ở trẻ em xuất hiện vùng trắng tròn trên lưỡi, vòm họng hoặc môi. Nguyên nhân gây ấm miệng được xác định do miễn dịch tự nhiên yếu, trẻ sử dụng kháng sinh trong thời gian dài, vệ sinh răng miệng không sạch,... Tình trạng trên có thể khiến vi khuẩn phát triển làm trẻ bị khô họng, đau rát họng hoặc nghiêm trọng hơn là viêm phổi. Chính vì vậy, nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh nấm miệng, hãy cho trẻ thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Bệnh nấm miệng ở trẻ và các biểu hiện

Nấm miệng ở trẻ, nhất là ở trẻ sơ sinh thường khiến cha mẹ lo lắng không yên. Trên thực tế đây là bệnh lành tính và không gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Mặc dù vậy cha mẹ vẫn không nên chủ quan để nấm lan rộng trong miệng hoặc lan tới các bộ phận khác có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường trước được.

bệnh nấm miệng ở trẻ em
Bệnh nấm miệng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Theo ngôn ngữ dân gian, nấm miệng còn được gọi là hiện tượng tưa lưỡi, tưa miệng hay đẹn trăng. Bệnh này do loại nấm có tên khoa học là Candida Albicans gây ra. Loại nấm men này thường xuất hiện trong miệng trẻ nhưng không gây ảnh hưởng gì nếu hệ miễn dịch khỏe mạnh. Khi có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thành bệnh, nấm sinh sôi nhanh và lan rộng thành từng mảng trắng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh nấm miệng ở trẻ em:

  • Có mảng bám màu trắng hoặc ngả vàng tại bất cứ vị trí nào trong miệng
  • Thông thường triệu chứng bệnh nấm miệng sẽ xuất hiện ở lưỡi đầu tiên và thường bị nhầm lẫn với hiện tượng cặn sữa.
  • Khi nấm phát triển mạnh, mảng bám trắng đục dày đặc trong miệng, từ lưỡi, nướu cho tới mặt trong của má, môi
  • Khi dùng dụng cụ cạo lưỡi hoặc vô tình va chạm mạnh vào có thể gây chảy máu ở chỗ có mảng bám
  • Miệng nóng râm ran, khó chịu, khô, ăn uống không ngon miệng

Nguyên nhân khiến trẻ bị nấm miệng

Tác nhân chính gây bệnh nấm miệng ở trẻ là nấm candida albicans nhưng nếu không có những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển thì loài nấm này vô hại với sức khỏe con người. Thực tế là ở những trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, có sự tồn tại của nấm candida albicans trong khoang miệng nhưng không phát triển thành bệnh nấm miệng trẻ em.

Nguyên nhân điển hình gây nấm miệng ở trẻ em bao gồm:

  • Miễn dịch tự nhiên yếu: Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có nguy cơ bị nấm miệng, tưa lưỡi cao nếu hệ miễn dịch bẩm sinh yếu ớt. Trường hợp này thường gặp ở trẻ sinh non, suy dinh dưỡng, thấp còi hoặc có bệnh lý bẩm sinh như bệnh tim, bệnh hen suyễn, đái tháo đường...
  • Trẻ sơ sinh từ mẹ bị nấm sinh dục: Nấm candida tại đường sinh dục của người mẹ hoàn toàn có thể truyền sang cho bé khi mẹ sinh thường. Thậm chí khi người mẹ sinh mổ mà không cẩn thận trong quá trình chăm sóc bé cũng có thể làm lây nhiễm nấm cho bé.
  • Trẻ sử dụng kháng sinh trong thời gian dài: Kháng sinh có thể tiêu diệt được nấm và vi khuẩn nhưng nếu lạm dụng kháng sinh hoặc phải dùng kháng sinh lâu dài thì cân bằng sinh thái vi khuẩn trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Kháng sinh có thể tiêu diệt cả lợi khuẩn, tạo cơ hội cho nấm candida phát triển mạnh hơn trong khoang miệng trẻ gây bệnh.
  • Vệ sinh miệng không sạch sẽ: thực tế rất nhiều trẻ có sự tồn tại của nấm trong khoang miệng mà chưa phát triển thành bệnh. Nếu trẻ không được mẹ vệ sinh miệng sạch sẽ hàng ngày cho, nhất là trẻ sơ sinh thì lâu ngày nấm sẽ lây lan mạnh.

BẠN CÓ BIẾT: Cách Chăm Sóc Và Vệ Sinh Răng Miệng Đúng Cách Cho Bé?

nguyên nhân gây nấm miệng trẻ nhỏ
Vệ sinh miệng không sạch sẽ là nguyên nhân chính gây bệnh nấm miệng.

Bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?

Trẻ sơ sinh cơ thể yếu ớt, sức đề kháng kém hơn so với trẻ lớn và người trưởng thành. Vì vậy, bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh có thể nguy hại cho sức khoẻ hơn so với nấm miệng ở trẻ 2 tuổi hay 3 tuổi trở lên. Chỉ sau vài ngày nhiễm nấm trong miệng, mảng bám phát triển mạnh mẽ gần như toàn bộ niêm mạc trong miệng của trẻ. Trẻ sẽ bị ảnh hưởng tới hoạt động bú mẹ, bú bình hoặc ăn dặm đầu tiên. Biểu hiện thường thấy ở trẻ sơ sinh bị tưa miệng là biếng ăn, thậm chí bỏ ăn.

Nếu trẻ sơ sinh bị tưa miệng không được chữa trị sớm và chữa khỏi hoàn toàn thì sau một thời gian, nấm cùng các loại vi khuẩn gây hại có thể phát triển xuống khu vực thực quản khiến trẻ bị khô họng, đau rát họng. Trẻ sẽ quấy khóc nhiều và có thể bị kích thích cổ họng, thường xuyên nôn trớ. Ngoài ra, còn có một số ít trường hợp trẻ bị viêm phổi do vi khuẩn kết hợp với nấm lan sâu xuống thực quản.

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị nấm miệng sẽ khiến cha mẹ rất sốt ruột và muốn tìm ngay cách để chữa trị cho trẻ. Nhưng chính sự lo lắng này lại dẫn đến việc cha mẹ tự ý dùng các biện pháp dân gian như rơ lưỡi bằng mật ong khiến trẻ sơ sinh bị ngộ độc, rơ lưỡi bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến trẻ gặp nguy hiểm. Việc rơ lưỡi không đúng cách, làm quá mạnh cũng khiến trẻ bị tổn thương niêm mạc miệng.

Các biện pháp điều trị nấm miệng ở trẻ

Tuỳ theo mức độ nhiễm nấm mà sẽ có những hướng chữa trị phù hợp cho bệnh nấm miệng ở trẻ. Sau đây là một số cách chữa nấm miệng ở trẻ thông dụng được nhiều người biết đến nhất:

Chữa nấm miệng cho trẻ tại nhà

Trong trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ mới chớm bị nấm miệng, xuất hiện biểu hiện đầu tiên thì cha mẹ có thể tự điều trị cho con bằng một số mẹo dân gian. Sau đó, mẹ cũng nên chăm sóc răng miệng cho trẻ kỹ càng để phòng tránh bệnh tái phát.

Một số hướng dẫn chăm sóc răng miệng hỗ trợ điều trị nấm miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

  • Dùng bàn chải chuyên dụng cho trẻ, chẳng hạn như với trẻ sơ sinh nên dùng bàn chải bằng silicon hoặc dụng cụ vệ sinh miệng bằng silicon.
  • Sau mỗi lần rơ lưỡi cho trẻ nên vệ sinh lại bàn chải bằng nước nóng
  • Dùng gạc rơ lưỡi chuyên dùng cho trẻ sơ sinh để rơ lưỡi cho trẻ
  • Nên thay mới bàn chải sau khi trẻ khỏi bệnh
  • Ngoài ra với các trẻ lớn hơn bị nấm miệng thì có thể áp dụng một số mẹo dân gian như:
  • Súc miệng, rơ miệng bằng nước chanh tươi pha loãng (chỉ áp dụng với trẻ đã biết súc miệng và nhổ bỏ)
  • Súc miệng bằng dung dịch rượu táo pha loãng (chỉ áp dụng với trẻ đã biết súc miệng và nhổ bỏ)
  • Súc miệng bằng dung dịch nước pha muối nở (chỉ áp dụng với trẻ đã biết súc miệng và nhổ bỏ)
  • Bổ sung sữa chua lợi khuẩn trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày

HỮU ÍCH CHO BẠN: Rơ Lưỡi Bằng Mật Ong Cho Trẻ Có Tốt Không Và Khi Nào Nên Dùng?

chữa nấm miệng ở trẻ
Hướng dẫn điều trị nấm miệng trẻ em

Điều trị nấm miệng bằng thuốc tây y

Không phải ai cũng có đủ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm để nhận biết chính xác các triệu chứng bệnh nấm miệng ở trẻ. Vậy nên cách tốt nhất để chẩn đoán bệnh này là đưa trẻ tới cơ sở y tế thăm khám và được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.

Dưới đây là những loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh nấm miệng:

  • Nước súc miệng hoặc dung dịch rơ lưỡi Nystatin (Nystop, Nyata)
  • Thuốc kháng nấm dạng bột Fluconazole (Diflucan)
  • Thuốc kháng nấm Itraconazole (Sporanox) dành riêng cho người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch, HIV/AIDS hoặc bị nấm miệng nặng
  • Thuốc kháng nấm dạng viên Clotrimazole (Mycelex Troche)
  • Thuốc đặc trị nấm miệng Amphotericin B (AmBisome, Fungizone)

Thông thường, sau khoảng 2 tuần tập trung điều trị, các triệu chứng nấm miệng sẽ thuyên giảm và có thể khỏi hẳn sau 3 - 4 tuần. Tuy nhiên với bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh thì cần đặc biệt lưu ý khi cho trẻ dùng thuốc, thông thường chỉ có 2 loại thuốc sau đây được chỉ định cho trẻ dưới 1 tuổi:

  • Thuốc điều trị nấm Nystatin dạng bột hoặc dung dịch dùng cho trẻ sơ sinh. Đây là thuốc được dùng phổ biến nhất khi điều trị nấm miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thuốc được đánh giá là an toàn đối với tất cả mọi người.
  • Thuốc điều trị nấm Miconazole có dạng gel, an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thuốc có tác dụng tiêu diệt nấm candida một cách trực tiếp và nhanh chóng.

thuốc chữa nấm miệng ở trẻ sơ sinh
Thuốc chữa nấm miệng chuyên dụng cho trẻ sơ sinh

Hướng dẫn phòng ngừa nấm miệng ở trẻ

Tình trạng tưa miệng ở trẻ sơ sinh hay là nấm miệng ở trẻ em nói chung rất dễ tái phát nếu cha mẹ không chú ý vệ sinh miệng cho bé cẩn thận. Khi điều trị, cần tuân thủ đúng phác đồ và thời gian của bác sĩ đưa ra, không được tự ý dừng điều trị. Đặc biệt với trẻ sơ sinh bị nấm miệng vẫn đang bú mẹ thì người mẹ cần bôi cả thuốc lên đầu ti để tránh bị nhiễm nấm cũng như truyền ngược nấm vào miệng trẻ.

Sau khi điều trị nấm miệng ở trẻ em, bản thân trẻ và cha mẹ cũng cần cẩn thận hơn về việc chăm sóc răng miệng với các lưu ý sau đây:

  • Với trẻ sơ sinh: Mỗi ngày nên rơ lưỡi cho bé bằng nước muối sinh lý chuyên dùng bằng gạc mềm. Mẹ cũng có thể kết hợp thêm bằng việc nhỏ nước muối sinh lý vào mũi và mắt cho bé.
  • Với trẻ sơ sinh bú bình hoàn toàn: Mỗi khi trẻ ăn sữa xong nên cho trẻ uống thêm 1 - 2 thìa nước nhỏ để làm sạch cặn sữa trong miệng.
  • Hạn chế cho trẻ lớn ăn nhiều bánh kẹo ngọt hoặc các loại thức ăn nhiều dầu mỡ
  • Thường xuyên vệ sinh đồ dùng và khử trùng đồ chơi của bé.

Tóm lại, khi phát hiện mảng bám màu trắng dày trên lưỡi và trên niêm mạc trong của miệng trẻ thì cần cảnh giác với bệnh nấm miệng ở trẻ. Đưa trẻ đi khám là cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh cũng như tìm ra hướng điều trị hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hệ thống cơ sở
CƠ SỞ CHÍNH

Nha khoa Quốc Tế ViDental - Đống Đa, Hà Nội: Số 18 Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: (+84) 987.933.309

HỆ THỐNG CHI NHÁNH

ViDental - APEC Thủ Đức - Cơ sở TPHCM : 359C - 359D Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Long B – TP. Thủ Đức, TP. HCM

Điện thoại: (+84) 987.933.309

ViDental - Guva Phú Nhuận - Cơ sở TPHCM : 193 Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. HCM

Điện thoại: (+84) 987.933.309

Messenger zalo
0987.933.309