Hôi miệng từ cuống họng thường do khô họng hoặc không làm sạch thức ăn bám dính trong khoang miệng. Để khắc phục tình trạng, có thể áp dụng các phương pháp như:

  • Duy trì độ ẩm cho khoang miệng để giảm khô họng.
  • Sử dụng các phương pháp chữa đơn giản như súc miệng, đánh răng đúng cách.
  • Kiểm tra sức khỏe tổng thể và tìm hiểu về các phương pháp điều trị khác nếu cần thiết.

Nếu tình trạng kéo dài, nên thăm bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân chính xác và phương pháp điều trị hiệu quả.

Nhận biết tình trạng hôi miệng từ cổ họng

Hôi miệng thông thường do bạn ăn uống các loại thực phẩm “nặng mùi” không đáng lo ngại vì chỉ cần súc miệng, đánh răng là loại bỏ được. Nhưng nếu tình trạng hôi miệng kéo dài nhiều ngày thì cần lưu ý vì nó là một trong những biểu hiện điển hình của các vấn đề răng miệng như sâu răng, viêm nướu. Và bạn cần thận trọng hơn khi mùi hôi miệng xuất phát từ trong cổ họng.

Tình trạng hôi miệng từ cổ họng cảnh báo nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng.
Tình trạng hôi miệng từ cổ họng cảnh báo nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng.

Bạn có thể tự xác định mình có bị hôi miệng từ cổ họng hay không bằng cách kiểm tra như sau:

  • Nhổ 1 ít nước bọt ra giấy ăn, chờ 5 – 10 giây để nước bọt khô lại thì ngửi xem có mùi khó chịu hay không. Nên thực hiện khi ở 1 mình để tránh gây phản cảm với những người xung quanh.
  • Khum bàn tay lại đặt lên miệng và cố gắng hà hơi dài từ trong cổ họng ra. Nếu thấy mùi hôi khó chịu thì đó là biểu hiện bạn bị hôi miệng từ cuống họng.
  • Súc miệng bằng nước sạch sau đó khạc nước bọt từ trong cổ họng ra. Nếu bạn vẫn cảm thấy mùi hôi thì chắc chắn bạn bị hôi miệng từ cổ họng.

Ngoài các cách tự kiểm tra mùi hôi miệng từ cổ họng như trên thì tình trạng này còn có thể được phát hiện khi bạn khám sức khỏe định kỳ. Khi khám khoa, bạn có thể được đo nồng độ hôi miệng bằng Halimeter, Halitest. Với các biện pháp nghiệp vụ, bác sĩ sẽ xác định được bạn bị hôi miệng ở mức độ nào, nguyên nhân từ đâu.

Các nguyên nhân gây hôi miệng từ cổ họng

Mùi hôi miệng từ cổ họng chỉ là một triệu chứng báo hiệu cơ thể bạn đang gặp vấn đề sức khoẻ, chưa thể kết luận được gì hơn nếu không thăm khám trực tiếp. Muốn chữa hôi miệng từ cổ họng, đầu tiên phải các định được nguyên nhân gây ra tình trạng này cụ thể là gì.

Các bệnh về răng miệng như sâu răng, viêm lợi nướu, viêm nha chu chỉ gây ra mùi hôi trong khoang miệng. Phần lớn các trường hợp hôi miệng từ trong cổ họng là do bệnh lý toàn thân gây nên. Sau đây là những nguyên nhân điển hình nhất gây ra tình trạng hôi miệng từ cuống họng:

Các bệnh liên quan tới nhiễm trùng đường hô hấp

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp sau đây đều gây ra tình trạng hôi miệng từ cuống họng. Điển hình là các bệnh sau đây:

  • Viêm họng cấp, viêm họng hạt: Vi khuẩn gây viêm họng khu trú trong cổ họng, miệng của người bệnh kết hợp với thức ăn hàng ngày đưa vào khiến hoạt chất sulfur được giải phóng, đây là tác nhân chủ đạo gây hôi miệng. Hơn nữa, người bị viêm họng thường đi kèm sổ mũi, ngạt mũi, phải thở bằng miệng nhiều, miệng giảm tiết nước bọt cũng gây ra nhiều mùi hôi khó chịu.
  • Viêm xoang: Ở những người bị viêm xoang nặng trong khoang mũi dễ có ổ mủ do nhiễm trùng gây ra. Triệu chứng ngạt mũi, hắt hơi sổ mũi thường xuyên của bệnh này sẽ đem vi khuẩn, mủ theo dịch tiết mũi xuống cổ họng gây ra mùi hôi khó chịu phát ra từ trong cổ họng của người bệnh
  • Viêm amidan: Tình trạng hôi miệng từ trong cổ họng thường gặp ở những người bị viêm amidan mãn tính có mủ. Đây là những ổ ký sinh trùng gây viêm và gây ra phản ứng giải phóng lưu huỳnh tạo mùi hôi khó chịu trong hơi thở. Ngoài ra, tình trạng amidan viêm sưng đỏ thường xuyên cũng khiến người bệnh bị khô miệng, giảm tiết nước bọt gây hôi miệng.

Viêm amidan, viêm xoang có thể là nguyên nhân chủ đạo gây ra tình trạng mùi hôi ở cuống họng
Viêm amidan, viêm xoang có thể là nguyên nhân chủ đạo gây ra tình trạng mùi hôi ở cuống họng

Các bệnh về đường tiêu hoá

Nếu bạn thường xuyên bị trào ngược hoặc bị đau dạ dày trong thời gian dài thì có thể đó chính là nguyên nhân gây hôi miệng từ họng. Cụ thể như sau:

  • Trào ngược dạ dày thực quản: Các acid dạ dày bị đẩy ngược lên trên thực quản, khiến cho bạn thường xuyên bị ợ hơi, ợ nóng, thức ăn chưa được tiêu hoá hết trào ngược lên cổ họng và khoang miệng. Như vậy vi khuẩn, acid dạ dày tích tụ ở họng nhiều, lâu ngày gây ra mùi hôi từ cổ họng.
  • Viêm loét dạ dày: Chức năng dạ dày bị rối loạn không thể thực hiện tốt nhiệm vụ tiêu hoá thức ăn. Thức ăn tồn đọng trong dạ dày nhiều sẽ sinh ra phản ứng lên men và vi khuẩn HP - thủ phạm gây viêm dạ dày sẽ càng làm cho phản ứng này mạnh mẽ hơn, giải phóng lưu huỳnh, theo triệu chứng trào ngược, ợ hơi, ợ nóng đưa mùi hôi thoát lên trên khoang miệng. Đó chính nguyên nhân gây mùi hôi từ cổ họng.
  • Ngoài ra những người bị hội chứng ruột kích thích, hở van dạ dày, thoát vị hoành cũng có thể bị hôi miệng từ cuống họng.

Các bệnh lý toàn thân

Bệnh thận, bệnh đái tháo đường,... nghe qua có vẻ không liên quan tới răng miệng nhưng thực tế hôi miệng từ cổ họng lại là một trong những biểu hiện thường gặp:

  • Bệnh đái tháo đường: Nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng phân huỷ mỡ ở những bệnh nhân đái tháo đường type 1 và 2 đều làm sản sinh ra mùi ketone trong hơi thở. Đây là mùi hôi phát ra từ cổ họng của người bệnh.
  • Bệnh thận: Người bị bệnh thận sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng mùi hôi khó chịu từ họng mà không thể cải thiện được bằng việc súc miệng, đánh răng. Nguyên nhân là nitơ tích tụ trong cơ thể quá nhiều do thận không đảm bảo chức năng đào thải được hết độc tố.
  • Hội chứng mùi cá ươn: Đây là hội chứng di truyền hiếm gặp nhưng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng từ cổ họng. Đặc biệt, tình trạng này chỉ xảy ra khi người bệnh ăn thực phẩm có mùi vị tanh như tôm, cá, cua, ghẹ... Chất trimethylamine trong các loại thức ăn tanh khi vào cơ thể những người bị hội chứng này không thể chuyển hoá được, tích tụ trong cơ thể và bài tiết ra ngoài gây mùi hôi tanh khó chịu.
  • Bên cạnh những nguyên nhân bệnh lý kể trên thì tình trạng hơi thở có mùi hôi từ trong cổ họng cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc. Các loại thuốc điển hình có thể gây ra triệu chứng này đó là: amphetamine, chloral hydrate, thuốc gây độc tế bào, dimethyl sulphoxide, disulfiram, nitrate và nitrite, phenothiazine...

Làm thế nào để chữa hôi miệng từ cổ họng?

Hơi thở có mùi hôi dù chỉ ở trong khoang miệng hay phát ra từ cuống họng cũng gây trở ngại rất lớn cho cuộc sống. Cảm giác tự ti thường xuyên do miệng có mùi hôi khi giao tiếp vừa khiến bạn trở nên khép mình hơn, vừa có thể lấy đi những cơ hội tốt về mọi khía cạnh của cuộc sống.

làm thế nào hết hôi miệng từ họng
Bị hôi miệng từ trong cổ họng phải làm thế nào?

Chưa kể đến những trường hợp bị hôi miệng do nguyên nhân bệnh lý thì sức khỏe càng bị đe doạ. Vậy nên khi phát hiện ra hơi thở của mình không được thơm tho thì bạn cần nhanh chóng tìm cách khắc phục ngay.

Mẹo chữa hôi miệng từ cổ họng

Sử dụng các sản phẩm giúp miệng thơm mát tức thì hoặc một số mẹo dân gian như dùng gừng tươi, chanh tươi cũng có thể giúp bạn cải thiện tình trạng khó chịu này:

  • Dùng các loại nước súc miệng: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nước súc miệng từ khoáng chất tới thảo dược cải thiện các vấn đề về răng miệng trong đó có tình trạng hôi miệng. Mặc dù không giải quyết được triệt để mùi hôi từ cổ họng nhưng nước súc miệng sẽ giúp bạn có hơi thở thơm tho trong một thời gian nhất định.
  • Nhai kẹo cao su: Các loại kẹo cao su thường chứa tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu có mùi thơm dễ chịu như dâu, táo… giúp miệng thơm hơn, cải thiện phần nào tình trạng hôi miệng.
  • Dùng gừng tươi: Gừng có vị cay, tính nóng, lại có tác dụng kháng viêm, giảm đau. Khi bị hôi miệng, bạn lấy 1 củ gừng tươi cạo vỏ rửa sạch, sau đó thái sợi hoặc giã nhuyễn. Bỏ gừng vào trong cốc nước nóng đậy lại 10' sau nhấm nháp từ từ. Mẹo chữa hôi miệng từ cổ họng bằng gừng tươi này khá hiệu quả với những người bị hôi miệng do viêm họng.
  • Dùng vỏ chanh tươi: Tinh dầu từ vỏ chanh tươi cũng sẽ giúp hơi thở của bạn bớt nặng mùi hơn. Bạn lấy vỏ chanh tươi rửa sạch, thái nhỏ hoặc bào sợi rồi cho vào 1 chai nước để là nước súc miệng hàng ngày.

Chữa hôi miệng từ cổ họng bằng Tây y

Với những trường hợp người bệnh bị hôi miệng từ trong cổ họng do bệnh lý toàn thân thì bắt buộc phải được điều trị bằng y học hiện đại. Các mẹo dân gian không thể chữa hôi miệng lâu năm, hôi miệng nặng. Và các loại thuốc chữa hôi miệng không có tác dụng điều trị trúng bệnh lý nền không thể chữa trị triệt để được tình trạng này.

Dựa vào nguyên nhân bệnh lý gây triệu chứng phụ là hôi miệng từ cổ họng, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ ra phương pháp điều trị phù hợp:

  • Với các bệnh liên quan tới hô hấp như: viêm mũi, viêm họng cấp có thể được điều trị bằng kháng sinh đường uống hoặc tiêm. Khỏi bệnh cũng sẽ không còn tình trạng hôi miệng
  • Với bệnh viêm amidan, cắt amidan là cách chữa hiệu quả
  • Với bệnh về đường tiêu hoá thì cần dùng thuốc đúng loại theo đơn của bác sĩ
  • Với các bệnh lý nền như: bệnh tim, bệnh thận, bệnh đái tháo đường... thì bắt buộc phải điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

nội soi tai mũi họng
Bạn có thể phải khám và nội soi tai mũi họng để tìm ra nguyên nhân và xác định cách chữa hôi miệng từ cổ họng hiệu quả nhất.

Tốt nhất nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường về sức khỏe. Nắm được tình hình sức khỏe bản thân cũng sẽ giúp bạn dễ nhận biết mình bị hôi miệng từ cổ họng là do đâu và đâu là cách chữa mang lại hiệu quả.

Chữa hôi miệng bằng các vị thuốc đông y

Nếu dễ dàng tìm được những vị thuốc đông y quen thuộc như đinh hương, cam thảo, quế tân, hoàng liên… bạn cũng có thể sử dụng để làm thuốc chữa hôi miệng từ cổ họng. Tuy nhiên các bài thuốc sau đây chỉ mang tính chất giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị triệt để:

  • Bài thuốc đông y chữa hôi miệng số 1: Dùng các vị thuốc cam thảo, quất bì, quế tâm, tế tân mỗi loại lấy 50g. Tiếp đó viên thành từng viên nhỏ cỡ hạt đậu đen bằng cách cho thêm mật ong, táo nhục vào trộn đều. Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, mỗi ngày dùng từ 5 - 10g. Nên uống trước khi ngủ, có thể không cần uống với nước.
  • Bài thuốc đông y chữa hôi miệng số 2: Dùng các vị thuốc nhân sâm, mạch môn, trúc diệp, cam thảo, gạo, bán hạ chế. Tất cả đem rửa sạch, cho vào nồi sắc thuốc sắc với 3 bát nước cho tới khi cạn xuống còn 1/3 bát. Chia thành 3 lần uống hàng ngày.
  • Bài thuốc đông y chữa hôi miệng số 3: Dùng các vị thuốc xuyên khung, cam thảo, quế tâm, đinh hương, tế tân. Đem các vị thuốc tán thành bột mịn rồi trộn với mật ong cho nhuyễn, viên thành các viên nhỏ. Mỗi ngày dùng khoảng 5g. Nên uống trước khi đi ngủ.

Hướng dẫn chăm sóc răng miệng cải thiện tình trạng hôi miệng từ cổ họng

Ngay cả khi bạn đã chữa khỏi hôi miệng từ cuống họng thì vẫn cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng này tái phát. Chăm sóc răng và thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh hơn chính là biện pháp phòng ngừa tốt nhất:

  • Đánh răng sau khi ăn 20 - 30 phút, nên dùng bàn chải lông mềm hoặc bàn chải điện và chải răng đúng cách.
  • Mỗi khi ăn uống xong nên dùng chỉ nha khoa để là sạch các kẽ răng.
  • Dùng dụng cụ vệ sinh mặt lưỡi để loại bỏ vi khuẩn trên bề mặt, ngăn ngừa mùi hôi hiệu quả.
  • Nếu đang niềng răng hoặc dùng răng giả, cần vệ sinh sạch sẽ các mắc cài và các răng giả ngay sau khi ăn.
  • Uống đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày để tránh bị khô miệng.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm “nặng mùi” như cần tây, tỏi, hành tây… Tránh xa rượu bia, thuốc lá và các loại nước uống có chất kích thích khác.
  • Lấy cao răng mỗi 6 tháng/lần.
  • Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần hoặc tuân thủ đúng lịch hẹn tái khám của bác sĩ.

Như vậy, hôi miệng từ cổ họng là dấu hiệu của nhiều vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe, không chỉ là bệnh răng miệng thông thường. Để chữa trị triệt để thì không có cách nào khác ngoài điều trị chuyên khoa kết hợp với các biện pháp chăm sóc răng miệng tích cực. Đừng quên đến gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu biểu hiện ban đầu để đề phòng nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hệ thống cơ sở
CƠ SỞ CHÍNH

Nha khoa Quốc Tế ViDental - Đống Đa, Hà Nội: Số 18 Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: (+84) 987.933.309

HỆ THỐNG CHI NHÁNH

ViDental - APEC Thủ Đức - Cơ sở TPHCM : 359C - 359D Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Long B – TP. Thủ Đức, TP. HCM

Điện thoại: (+84) 987.933.309

ViDental - Guva Phú Nhuận - Cơ sở TPHCM : 193 Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. HCM

Điện thoại: (+84) 987.933.309

Messenger zalo
0987.933.309